Có ai từng đi qua thanh xuân mà chưa một lần chong mắt cày đêm ngay trước ngày thi chỉ vì trì hoãn việc ôn bài đến phút chót. Bạn vượt qua kì thi trót lọt, nhưng sau đó kiến thức còn lại gì? Nếu bạn là một trong số đông chúng ta – không phải là những thiên tài bẩm sinh – thì hẳn là… không nhiều lắm.
Bạn quyết tâm dành 1 tháng để bồi bổ vốn từ vựng bằng cách mỗi ngày đề ra một danh sách 100 từ mới. Ngày nào bạn cũng hoàn thành chỉ tiêu, nhớ được 100 từ vựng và ngày hôm sau lòng đầy hứng khởi chuyển sang một danh sách khác, hôm sau nữa lại sang danh sách mới, cứ như vậy…
Kết thúc 1 tháng, bạn kiểm tra lại thành quả của mình và nhớ được những từ vựng vừa học hôm trước, và từ vài hôm trước nữa. Nhưng còn những từ vựng của ngày đầu tiên? Chúng ở đâu rồi nhỉ? Giờ thì bạn bắt đầu thấy hoang mang.
Điều này có thể được giải thích bằng khoa học. Nghiên cứu chỉ ra rằng việc cố ghi nhớ một lượng lớn thông tin trong một khoảng thời gian ngắn không hiệu quả cho việc ghi nhớ lâu dài.
Tác giả người Anh H.E. Gorst đã đề cập trong cuốn sách “Khoá học về Giáo dục” của ông rằng, chính việc học nhồi nhét này đã tạo nên sự yếu kém về kiến thức. Điều ông ấy muốn nói chính là việc học cấp tập trong một thời gian ngắn không giúp cho chúng ta rèn luyện khả năng tư duy phản biện để có thể áp dụng kiến thức một cách sáng tạo.
Buồn thay việc nhồi nhét kiến thức vẫn là một hiện tượng đang xảy ra rất phổ biến trong giới học sinh sinh viên ở tất cả các lứa tuổi.
Lý do là chúng ta chưa biết quản lý thời gian hiệu quả. Nếu biết sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên chúng ta sẽ có đủ thời gian để tiếp nhận thông tin. Những thông tin có được do nhồi nhét có thể được khơi lại dễ dàng nội trong ngày hôm sau. Nhưng sau một vài ngày chúng sẽ biến mất nhanh chưa từng thấy.
Việc học dồn chỉ đánh đổi trí nhớ dài hạn lấy trí nhớ ngắn hạn. Thật không may là chúng ta đôi khi bám víu vào kết quả chớp nhoáng (như điểm số) mà quên mất phải cố gắng vì lợi ích lâu dài. Nhưng đừng vội từ bỏ hi vọng về khả năng củng cố trí nhớ của mình, vẫn còn một phương pháp học khác có thể bồi dưỡng trí nhớ rất tốt.
Trong tâm lý học có một lý thuyết về trí nhớ và khả năng học tập gọi là “hiệu ứng khoảng cách” (spacing effect). Hiệu ứng khoảng cách là ý tưởng rằng chúng ta sẽ nhớ và học một vấn đề hiệu quả hơn nếu chúng ta nghiên cứu lặp lại vấn đề đó một vài lần trong một khoảng thời gian dài.
Đương nhiên việc lặp lại là quan trọng, nhưng hãy lưu ý điểm mấu chốt rằng không phải lần lặp lại nào cũng hiệu quả như nhau. Mỗi lần lặp của việc ghi nhớ một tập thông tin nên được giãn cách nhau ra.
Việc xác định thời gian giữa hai lần lặp mới là vấn đề đáng phải suy nghĩ. Nếu khoảng cách quá ngắn, bộ não của bạn vẫn còn lưu giữ thông tin và sẽ nhắc lại những thông tin ấy một cách bị động, những ghi nhớ này cũng không bền vững với thời gian. Nếu khoảng cách quá dài, bạn hầu như đã quên những thông tin này và sẽ tốn thêm thời gian để học lại chúng gần như hoàn toàn. Cộng thêm cả yếu tố phức tạp trong cách học và ghi nhớ riêng của mỗi cá nhân, bạn đã có một công thức hoàn hảo đảm bảo cho sự thất thoát thông tin của bộ nhớ rồi đấy.
Thật may là bây giờ có những phần mềm giúp chúng ra chỉ ra được những thời điểm mấu chốt để tối ưu hoá việc học. Ngay khi những thông tin gần bị lãng quên những phần mềm này sẽ can thiệp và giữ chúng lại trong trí nhớ. Điều này quá tuyệt còn gì!
Phần mềm ghi nhớ lặp lại ngắt quãng (SRS) là những chương trình máy tính mô phỏng quá trình tương tự việc sử dụng các thẻ từ flashcard. Người dùng sẽ nhập vào chương trình những thông tin cần ghi nhớ, những thông tin này sẽ được chuyển thành các tấm thẻ lần lượt xuất hiện trên màn hình.
Thông thường, người dùng sẽ click một lần để hiện ra câu hỏi trên mặt trước của tấm thẻ, click lần thứ hai để mở câu trả lời hay mặt sau của tấm thẻ. Sau khi thấy câu trả lời, người dùng có thể xác định độ khó của tấm thẻ và báo lại cho chương trình.
Thứ tự xuất hiện của các thẻ không phải là ngẫu nhiên. Trên thực tế, những chương trình SRS sử dụng thuật toán để giãn cách thời điểm mỗi thẻ xuất hiện trở lại trên màn hình. Những thẻ được đánh giá là dễ sẽ xuất hiện sau những thẻ khó, cho phép người dùng có thêm thời gian để học những thẻ khó. Như vậy những thẻ khó nhớ sẽ xuất hiện thường xuyên hơn cho đến lúc bạn làm chủ được nó. Phương pháp này giúp bạn học một cách chủ động hiệu quả hơn hẳn những phương pháp khác.
Để dễ hiểu hãy quay lại ví dụ bạn dành một buổi tối để học 100 từ mới tiếng Anh ở trên. Bạn sẽ học cho đến khi nhớ được hết những từ đó, mất khoảng 1 giờ đồng hồ.
Ngay sau khi học những từ này, bạn vẫn còn nhớ chúng rất rõ. Nhưng sau một khoảng thời gian, trí nhớ của bạn bắt đầu mờ dần. Bộ não có xu hướng quên những thông tin mới vì chưa có thời gian ghi sâu những thông tin này. Bởi thế những từ bạn mới gặp lần đầu sẽ dễ dàng bị lãng quên nhanh hơn. Những kiến thức mới chưa được xem là quan trọng để ghi sâu vào tế bào não.
Thế nhưng nếu bạn học những từ này lần thứ 2, thời gian ghi nhớ sẽ nhanh hơn lần đầu. Có lẽ chỉ khoảng 30 phút cho 100 từ thôi. Bạn vừa hoàn thành lần ghi nhớ ngắt quãng đầu tiên.
Vậy bạn sẽ phải học đi học lại những từ mới này suốt đời hay sao? Tất nhiên là không, việc xem lại thông tin là cần thiết nhưng thời gian dành cho việc xem lại này sẽ càng ngày càng ngắn và kém thường xuyên dần.
Khi bạn bắt đầu lướt nhanh qua các thẻ đó là khi bạn đã thuộc lòng chúng. Đây là lúc bạn sẵn sàng chuyển qua ghi nhớ những thẻ mới – những thử thách mới.
Vậy chờ gì nữa mà bạn chưa bắt đầu học cùng các ứng dụng ghi nhớ lặp lại ngắt quãng?
Hàng triệu người trên khắp thế giới hiện đang sử dụng những ứng dụng miễn phí áp dụng phương pháp ghi nhớ lặp lại ngắt quãng.
Anki là một trong những phần mềm ghi nhớ lặp lại ngắt quãng thông dụng nhất. Trong tiếng Nhật, Anki nghĩa là “ghi nhớ”. Đây là phần mềm giúp các bạn học từ vựng tiếng anh qua hình thức thẻ flashcard, có thể nhắc nhở các bạn vào học và đặc biệt là có tính năng lặp lại từ vựng tránh gặp trường hợp học trước quên sau.
Một điểm nổi trội của Anki là khả năng đồng nhất dữ liệu giữa nhiều thiết bị, cho phép người dùng có thể học trực tuyến trên điện thoại di động. Anki đang có ưu đãi dùng thử 30 ngày miễn phí, nhiều gói từ vựng tiếng anh và tiếng nhật miễn phí.
Link: https://anki.edu.vn
SuperMemo là một phần mềm học tập khác sử dụng nguyên tắc ghi nhớ lặp lại ngắt quãng. Bạn cũng có thể tự tạo các flashcard hoặc download bộ thẻ được làm sẵn, và trộn chúng với nhau nếu bạn muốn. Mỗi lần người dùng thấy một thẻ mới, họ phải phản hồi bằng việc cho điểm mức độ nhớ từ này của mình. SuperMemo sẽ sử dụng những phản hồi này để tính toán khoảng cách nhắc lại của những thẻ này.